Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa giấy

Đặc điểm của cây hoa giấy

Cây hoa giấy có tên khoa học là Buogainvilla spectabilis willd. Hoa giấy là giống cây thân bụi vươn dài, thích nghi được với kể cả đất khô khan cằn cỗi, không ưa lạnh,chịu nóng tốt.

Cây hoa giấy có thể trồng trong chậu hoặc trồng ra đất. Nếu cây trồng ngoài đất thì thân sẽ vươn dài rất nhanh và xanh tốt, sau này thân cành già cũng là lúc hoa ở ngọn cành. Còn nếu muốn tạo dáng cho cây hoa giấy thì nên trồng trong chậu. Khi trồng hoa giấy trước cổng hay cho leo giàn hiên thì nên trồng vào bồn xây để cây phát triển tốt, sau đó cho cây ra trồng ở đất cằn khô và điều kiện sống khắc khổ. 

Hoa giấy đa sắc màu: hồng, vàng, đỏ, trắng, cam… được chia làm 2 loại: hoa đơn và hoa kép, có loại đơn tính 1 màu, có loại lưỡng tính 2 màu được nhiều người ưa thích. Hoa giấy được trồng phổ biến ở nhiều nơi như: công viên, các nơi công sở, vườn hoa sân cảnh gia đình đến nhà hàng khách sạn, phòng tiếp khách… với những bồn hoa giấy rực rỡ sắc màu.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa giấy

Nhân giống:

Nhân giống và phát triển loài hoa này có ba cách là: chiết, giâm cành và ghép mắt. Nhưng cách giâm cành là phổ biến nhất.

Đầu mùa thu là thời vụ giâm tốt nhất (thời tiết mát, ít mưa) và hai tháng đầu mùa xuân (thời tiết ấm áp), giâm cành rễ ra nhanh, chồi mầm phát triển mạnh. Cành hoa giấy giâm trực tiếp ngoài đất liền hoặc trong chậu cảnh, tuy nhiên đất phải lên luống cao, chậu phải có lỗ thoát nước.

Kỹ thuật giâm cà chăm sóc cành giâm:

– Đất giâm phải đảm bảo theo tỷ lệ 3:1:1 bao gồm: 3 phần đất màu, 1 phần cát, 1 phần trấu và phân chuồng hoai mục, trộn đều hỗn hợp trên, đảm bảo lớp đất tổng hợp này dày 20 – 30 cm. Cành giâm, chọn cành bánh tẻ (cành đã ra được 1- 2 năm), bởi thân có nhiều chất dinh dưỡng, sức sống khỏe, nhanh ra rễ, mầm nảy ra mập, dễ phát triển, tỷ lệ nảy mầm và sống cao hơn cành già.

– Mỗi đoạn giâm cắt dài khoảng 20cm, đảm bảo có ít nhất từ 2 mắt trở lên. Đầu phía gốc cành cắt hơi vát, phía ngọn cắt bằng, vết cắt gọn không bị dập sau đó bôi vôi vào mặt cắt phía gốc để chống nhiễm khuẩn, còn đầu ngọn buộc kín ni-lông để chống thoát nước. Khi giâm vào chậu đặt cành giâm chính giữa, nghiêng với góc 15 độ, sâu 10cm. Giâm ngoài đất, cách đặt như trong chậu với khoảng cách cành nọ cách cành kia là 20cm.

– Sau khi giâm xong tưới nước đẫm cho chặt gốc, làm giàn che nắng mưa bằng phên liếp hoặc là đảm bảo thoáng mát. Tưới nước nhẹ hai ba ngày một lần giữ độ ẩm cho cây là được, tưới nhiều nước thì cành giâm bị thối vỏ, không ra rễ được. Khi thấy cành nảy mầm thì bỏ giàn che để cây có đủ ánh sáng phát triển. Chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật như trên thì 2 – 3 tuần cành giâm đảm bảo sẽ nảy mầm và ra rễ, sau hơn một tháng có thể đem trồng luôn vào chậu và sau một năm ta đã có cây trưởng thành.

Cách làm để hoa giấy ra nhiều màu

Để có một cây hoa giấy ghép nhiều màu cần tiến hành một số bước sau:

Chuẩn bị gốc ghép:

– Muốn có cây làm gốc ghép cần sưu tầm một gốc hoa tương đối lớn để gánh trên nhiều cành ghép của những giống khác, (nếu gốc cây có vẻ xù xì, dáng cổ thụ thì lại càng quý).

– Sau khi đã có gốc ghép, dùng cưa cắt bỏ phần ngọn của cây này, chỉ để lại phần gốc dài khoảng trên dưới 1m (tùy theo gốc lớn hay nhỏ và dáng thế các bạn định tạo sau này), trồng vào một chậu lớn, bón thêm phân, tưới giữ ẩm khoảng một tháng sau phần gốc này sẽ mọc ra nhiều mầm mới xung quanh, tỉa bỏ bớt chỉ để lại một số mầm ở vị trí thích hợp. Khoảng 1 – 2 tháng sau khi mầm mới lớn cỡ điếu thuốc lá là có thể ghép được.

Chuẩn bị giống để ghép:

Sưu tầm những cây hoa giấy có màu hoa, màu lá đẹp mà mình ưa thích để làm giống ghép lên gốc ghép đã được chuẩn bị.

Thao tác ghép:

– Khi có đủ cả cành giống và gốc ghép thực hiện như sau: dùng lưỡi dao lam (dao cạo râu) cắt bỏ phần ngọn của các mầm mới ra trên gốc ghép, chỉ để lại phần gốc dài khoảng 10cm (mỗi mầm này được gọi là một “gốc ghép”).

– Giống ghép chọn cành bánh tẻ hơi non, có độ lớn tương đương hoặc nhỏ hơn một chút so với “gốc ghép”, cắt lấy một đoạn dài 7 – 10cm (trên có 4-5 lá, gọi là “cành ghép”), lấy kéo cắt bỏ hết lá trên “cành ghép”.

– Dùng lưỡi dao lam cắt vạt xéo một nhát từ trên xuống dưới tại vị trí cách gốc của “gốc ghép” 3 – 4cm (vào sâu 1/3 độ lớn của “gốc ghép”), vết cắt dài khoảng 2cm (tạo thành một “miệng ghép”). Tiếp theo dùng lưỡi lam cắt vạt xéo hai nhát ở hai phía đối diện ở phần gốc của “cành ghép” tạo thành hình nêm (vết cắt dài khoảng 2cm). Luồn phần hình nêm của “cành ghép” vào miệng ghép” trên “gốc ghép” rồi dùng dây ni-lông quấn vừa đủ chặt, cuối cùng dùng bao ni-lông bao cành ghép và chỗ ghép để chỗ ghép không bị nước xâm hại và cành ghép không bị khô, mất nước.

– Che nắng hoặc đưa cây ghép vào chỗ mát. Sau 10 – 15 ngày khi cành ghép nảy mầm mới thì tháo bỏ bao nilông và dây nilông quấn ở chỗ ghép và cây ra hoa sau vài tháng tới.

Để có một cây hoa giấy nhiều màu ta có thể ghép nhiều đợt với những màu hoa khác nhau. Khi những cành ghép trưởng thành chúng sẽ ra hoa đồng loạt với đa sắc màu: đỏ đậm, đỏ lợt, tím đậm, tím lợt, tím Huế, hồng cánh sen, đến trắng, vàng, vàng cam, vàng gạch cua rất đẹp và lạ mắt.

Tin tức liên quan

Kỹ thuật trồng các loại đậu

Rau đậu được gọi là “thịt thực vật”, một số loại đậu thân dây, phải làm giàn đỡ, chăm bón cũng ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn quả

Trong rau ăn quả thành phần chủ yếu là nước, chiếm tới 70%-80%, nó là loại thực phẩm bổ sung nước cho cơ thể ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn củ

Rau ăn củ là loại rau nhiều tinh bột hơn so với loại rau lá. Có thể nâng cao càng nhiều nhiệt lượng cho cơ thể, ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn lá

Rau ăn lá là “vị khách” thường có trên bàn ăn của mọi nhà, nó hàm chứa các chất mà cơ thể người ...

Các dụng cụ trồng rau tại nhà

Trồng rau trong chậu hoa Trồng rau trong chậu hoa không chỉ cung cấp không gian phát triển cho bộ rễ của ...

Kỹ thuật bón phân cho rau ở vườn nhà

So với trồng khoai lúa, trồng rau nhu cần bón phân càng nhiều hơn, nhưng chủng loại rau rất nhiều đặc ...