Đặc điểm của mai chiếu thủy
Mai chiếu thủy (với tên khoa học là Wrightia religiosa Hook.f) là giống cây dễ trồng, dễ thích nghi, nhiều lúc chỉ cần tưới nước mà quên bón phân thì cây vẫn xanh, tươi tốt. Mặt khác, Mai chiếu thủy có thể ra hoa thường xuyên, khi cây có hoa tạo ra mùi hương thơm ngào ngạt dễ quyến rũ lòng người vì vậy mà loài cây này được mọi người ưa chuộng bởi những đặc tính sinh học trên của chúng.
Để cây cho ra hoa theo ý muốn thì chỉ cần ta bỏ ra tí công sức chăm sóc là sẽ có kết quả tuyệt vời ngay.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai chiếu thủy
Kỹ thuật cắt tỉa cành nhánh:
– Việc cắt tỉa cành nhánh phải thường xuyên thực hiện, bình quân 1 tháng/1 lần (mùa mưa) và 2 tháng/1 lần (mùa nắng). Khi cắt tỉa cành nhánh nên kết hợp với việc định hình tạo dáng cho cây, dáng tán cây hình tròn hay hình tháp đây là những tạo hình đơn giản nhất.
– Cần ước lượng kích thước hình dạng tán cây trước khi thực hiện việc cắt tỉa.
Việc bón phân cho mai chiếu thủy:
Việc bón phân thường đi đôi với cắt tỉa, cứ sau đợt cắt tỉa thì thực hiện bón phân để giúp cây sinh trưởng tốt.
– Loại phân bón thường được sử dụng là phân hữu cơ truyền thống như: phân bò hoai, phân trùng đỏ… và một số phân hạt, phân vô cơ như: NPK16.16.8, DAP, Dynamic Lifter… nhằm giúp cây sinh trưởng tốt.
– Liều lượng phân bón cần thiết cho cây mỗi khi bón tùy thuộc vào loại phân:
+ Đối với phân hữu cơ: Bón trên mặt chậu rải đều (nhưng không bón vào gốc) một lớp dày khoảng 1cm
+ Đối với phân hạt, phân vô cơ: Nếu cây cảnh nhỏ (GỐC >2,5cm, cao >1m) dùng muỗng cà-phê, bón 1 muỗng/chậu, cây lớn dùng muỗng canh 1 muỗng/chậu (nên bón chia đều xung quang chậu, vùi chôn xuống đất 3 – 5cm, không để trực tiếp vào gốc cây).
+ Nên bón luân phiên giữa các loại phân, sau khi bón phân cần quan tâm tưới nước đầy đủ để cây hấp thu phân bón tốt.
Phòng trừ sâu bệnh:
Mai chiếu thủy là loài cây có sức chịu đựng cao kể cả khi gặp thời tiết bất thường lại còn ít khi bị sâu bệnh.
– Tuy nhiên vào thời kỳ chuyển mùa trong năm (đầu và cuối mùa mưa) cần kiểm tra và phun phòng trừ sâu ăn lá và sâu đục thân.
– Khi cây chuẩn bị đơm nụ ra hoa cần chú ý có sâu và hoa có mùi hương thơm thu hút côn trùng nhất là bướm.
– Trường hợp không có thời gian làm các bước trên, thì chỉ cần ngưng tưới nước hoàn toàn từ 4 – 6 ngày, khi thấy cây có hiện tượng lá héo thì tưới nhẹ qua 1 lần/ngày vào buổi sáng, tránh tưới quá nhiều nước. Khi thực hiện tưới nước nhẹ thực hiện 5 ngày phun phân KNO, với liều sử dụng là 12g bình 8 lít, phun vào buổi sáng (từ 7h – 9h sau khi tưới nhẹ và lá cây đã khô hết nước).
– Thời gian từ khi xử lý đến khi ra hoa là 45 – 50 ngày.
Để mai chiếu thủy ra hoa:
Loài cây này thường ra hoa vào mùa khô và nở rải rác làm nhiều đợt. Để cây ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán, cần làm như sau: Cách Tết khoảng 45 ngày (khoảng rằm tháng 11 âm lịch) bón cho cây mai một đợt phân (có thể dùng urê hoặc DAP, nếu được loại phân NPK có tỉ lệ đạm, lân, kali tương đối đồng đều nhau như loại 20-20-15 thì càng tốt). Có thể rải trực tiếp phân vào gốc cây, cũng có thể pha loãng để tưới.
Nếu bón trực tiếp thì hàng ngày phải tưới cho phân tan và ngấm vào vùng rễ cây. Sau khi bón 5 ngày tiến hành ngắt ngọn và vặt hết lá, tiếp tục tưới nước giữ ẩm và thỉnh thoảng lại hòa loãng phân kali, phân lân tưới bổ sung. Sau khi bón phân một thời gian thì cây mai ra đọt non, lá và nụ hoa. Cách Tết khoảng 10 – 15 ngày, hoa bắt đầu nở và đến Tết thì nở bông trắng xóa.