Muốn có một vườn cảnh đẹp, việc phòng ngừa và trừ sâu bệnh cho cây cảnh là một công tác quan trọng khác cần được lưu ý. Luôn lắng nghe” sức sống của cây, xem cây có biểu hiện lạ thường nào, nếu có triệu chứng sâu bệnh cần được xác định đúng đắn để tiến hành điều trị cho cây.
Phòng ngừa bằng phương pháp vật lý
Cải biến môi trường:
Trong khi trồng cây tại nhà, nếu có thể thay đổi điều kiện môi trường sống của cây, cải thiện môi trường sâu bệnh thì việc phòng ngừa hoặc giảm bớt tác hại của sâu bệnh đối với cây sẽ cho hiệu quả rất cao. Ví dụ trong khi nuôi trồng có thể tiến hành hợp lý các phương pháp vật lý như: bón phân, tưới nước, trừ cỏ… thì đều ít nhiều giảm bớt được tác hại của sâu bệnh.
– Bón phân tức là khi sử dụng phân hữu cơ nên để cho thối rữa tối đa, trước khi sử dụng nên sát khuẩn hoặc pha loãng, triệt để loại bỏ sâu bệnh hoặc chất có hại trong phân.
– Tưới nước khoa học tức là tránh phun đẫm trong thời kỳ cây sinh trưởng, lượng nước và thời gian tưới cũng cần xác định chính xác, nên tưới vào sáng sớm ngày nắng, sau khi tưới nên kịp thời kiểm tra độ ẩm của đất.
– Trừ cỏ. Ngoài ra, vì phần lớn người trồng đều trồng cây trong chậu, lượng dinh dưỡng của đất có hạn, nên nếu lại để Cỏ mọc um tùm, tranh chất dinh dưỡng và ánh nắng với cây thì cây sẽ phát triển không tốt. Ngoài ra, Cỏ cũng là nơi ẩn nấp của vi khuẩn có hại, vì vậy, việc diệt cỏ cũng nên được đầu tư thời gian và công sức.
Diệt sâu bệnh bằng máy móc:
Là việc sử dụng các công cụ để diệt trừ sâu bệnh. Loại bỏ trứng, ấu trùng thủ công là một cách có thể lựa chọn, ví dụ trong thời kỳ sâu bệnh phát triển phát triển, lợi dụng đặc tính giả chết của một số côn trùng có hại mà tiến hành rung cây vào buổi sáng sớm, sau khi chúng rơi xuống đất thì diệt ngay. Cũng có thể cắt bỏ các cành, lá có bệnh hoặc trứng ấu trùng rồi đem đốt đi, tránh để chúng sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, trước khi gieo hạt nên ngâm trong nước ấm vài tiếng trước, cũng có thể diệt được các loài có hại bám trên bề mặt hoặc ở bên trong hạt. Tuy nhiên, nên lưu ý nhiệt độ nước, thông thường cao nhất là để nước ở nhiệt độ 60 độ C, nếu nước quá nóng sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ sống của hạt.
Cuối cùng, lợi dụng “điểm yếu” của sâu bệnh để diệt trừ chúng cũng là một trong các phương pháp vật lý, ví dụ lợi dụng tính bám sáng của côn trùng mà treo một chiếc lồng có gắn bóng đèn, đem bôi thuốc diệt côn trùng lên đó, cách này cũng giúp diệt được rất nhiều côn trùng có hại.
Phòng ngừa bằng phương pháp hóa học
Sử dụng phương pháp hóa học tuy cho hiệu quả cao, nhanh chóng, sử dụng đơn giản nhưng dễ gây ô nhiễm môi trường, khiến đất trong chậu vón cục lại. Thường xuyên sử dụng phương pháp hóa học diệt trừ sâu bệnh dễ khiến chúng nhờn thuốc. Tuy vậy, nếu nắm bắt được một vài quy tắc diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp hóa học thì cũng có thể giảm thiểu rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực mà phương pháp này mang lại.
Ví dụ, chọn lựa thuốc bảo vệ thực vật, khi thấy trong vườn xuất hiện sâu bệnh, không nên tùy tiện chọn thuốc đem phun, mà nên xem xét để tìm đúng loại. Ví dụ đối với các loài cây dễ mắc bệnh sương mai thì sử dụng thuốc đặc trị sương mai là tốt nhất, phun quá nhiều các loại khác sẽ khiến sâu bệnh nhờn thuốc.
Ngoài ra, nên tìm hiểu quy luật sản sinh sâu bệnh. Thông thường ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau cây sẽ sinh ra khả năng miễn dịch hoặc nhiễm sâu bệnh khác nhau. Đồng thời bản thân sâu bệnh cũng có tính kháng thuốc khác nhau của từng giai đoạn sinh trưởng.
Nếu có thể nắm bắt được những quy luật này thì không những có thể tiết kiệm được lượng thuốc, mà còn giảm bớt được tác hại của thuốc đối với cây. Thông thường, tính kháng thuốc của sâu bệnh trong giai đoạn trứng là yếu nhất, nếu có thể diệt khuẩn chậu cây trước khi gieo hạt thì sẽ giảm thiểu tối đa tác hại của sâu bệnh với cây trồng.