Cách chăm sóc cây hoa thủy canh hang ngày

Giống như những loài khác, cây trồng trong nước cũng cần chăm sóc. So với cây trồng trong đất, kỹ thuật chăm sóc cây hoa thủy canh đơn giản hơn, tuy vậy việc tăng cường tính khoa học trong kỹ thuật chăm cây cũng cần được chú trọng.

Thêm dung dịch dinh dưỡng cho cây hoa thủy canh

Cây thủy canh được trồng trong nước, loại phân bón mà chúng sử dụng hoàn toàn là chất dinh dưỡng vô cơ, khoáng chất, và được pha hỗn hợp bởi nhiều loại nguyên tố dinh dưỡng mà thành. Chúng ta biết, cây cần lượng lớn nitơ, phốtphát, kali mà trong nước gần như không có so với đất, các nguyên tố vi lượng trong nước là rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thông thường cho cây, do đó khi trồng cây thủy canh cần kịp thời thêm dung dịch dinh dưỡng vào nước.

Trước hết, cần chọn loại dung dịch dinh dưỡng và bón đủ lượng: Khác với các cây trồng bằng đất, cây thủy canh được trồng trong bình trồng không có lỗ thủng dưới đáy, khi thêm nguyên tố dinh dưỡng vào nước, chỉ cần nồng độ hơi cao sẽ sinh ra nguy hại cho cây. Do đó, khi sử dụng dung dịch dinh dưỡng cần lựa chọn loại chuyên dụng cho cây thủy canh, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tránh dùng quá nhiều và nồng độ quá cao.

Ngoài ra, cần chú ý thời gian thêm dung dịch và số lần thay nước, thông thường mỗi lần thay nước đều nên thêm dung dịch để bổ sung cho nguồn chất dinh dưỡng đã mất.

Tùy từng trường hợp mà thêm dung dịch dinh dưỡng hợp lý:

Tùy từng chủng loại cây hoa khác nhau

Các loại cây hoa khác nhau có khả năng thích ứng khác nhau với phân bón, thông thường những loại có bộ rễ tơ mảnh như cây lá màu, thu hải đường chịu phân bón kém, không cần quá nhiều phân bón và nồng độ quá lớn. Cho nên khi bón thêm dung dịch dinh dưỡng nên chú ý pha loãng, bón ít. Như trầu bà là loài ưa phân bón thì có thể tưới nhiều dung dịch dinh dưỡng. Ngoài ra, đối với những loài ngắm lá thì nên thêm dung dịch nitơ là chính, bón thêm phốt phát, kali để lá mọc dày dặn, mặt lá trơn mượt, màu sắc thuần khiết.

Tuy nhiên cần chú ý, đối với những loài có vằn màu hoặc đốm vết nên ít tưới phân đạm, vì loại này sẽ làm sắc lá nhạt đi, thậm chí mất màu lá, nên thêm vừa mức phân phốtphát, kali. Với những loài ngắm hoa nên chú trọng vào thời kỳ mầm hoa, bón chủ yếu là phân phốtphát, kali, bón vừa phân đạm, tránh cho thân cây mọc quá dài, ảnh hưởng tới sự sinh sản của cây, gây ra tình trạng ít hoa, hoa nhạt màu, thậm chí không nở hoa.

Tùy từng mùa

Thông thường vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao, tính thích ứng của cây hoa với nồng độ phân bón giảm, lúc này

nên giảm bớt nồng độ dung dịch dinh dưỡng của cây. Đặc biệt là với loài sợ nóng, khi nhiệt độ lên cao sẽ ở vào trạng thái ngủ hè, hoạt động sinh lý chậm chạp. Đối với những loài này nên dùng thêm dung dịch dinh dưỡng kẻo có hại cho cây.

Tùy vào tình hình sinh trưởng

Ánh sáng trong phòng không chói chang như ngoài trời, những cây hoa trồng trong nhà thường là loài ưa bóng râm hoặc bóng râm bán phần. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu ánh sáng trong một thời gian dài hoặc ánh sáng quá yếu, thân cây sẽ khá còi cọc, cho nên tính thích ứng với nồng độ phân bón cũng giảm. Chính vì vậy, đối với những cây sinh trưởng kém vì điều kiện ánh sáng yếu hoặc vì nguyên nhân khác thì nên dừng hoặc ít thêm dung dịch dinh dưỡng, cô gắng giảm bớt nồng độ kẻo gây hại cho cây.

Khi thêm dung dịch dinh dưỡng cần chú ý

– Với những cây vừa trồng thủy canh, chưa kịp quen với môi trường nước thường xuất hiện tình trạng lá đổi màu vàng hoặc thối rễ thì không nên vội vã thêm dung dịch dinh dưỡng, có thể dừng khoảng 10 ngày đợi cây thích ứng với môi trường mới hoặc ra rễ thủy sinh mới thì hãy bón.

– Không nên bón trực tiếp urê vào trong nước, vì urê là loại phân hữu cơ hợp thành từ vô cơ nhân tạo. Thủy canh là cách trồng không vi khuẩn hoặc ít vi khuẩn, nếu bón urê trực tiếp không chỉ khiến cây không hút được chất dinh dưỡng mà còn khiến một vài loài vi khuẩn hoặc vi sinh vật có hại nhanh chóng sinh sản gây ô nhiễm nước, khiến cây bị trúng độc.

– Nếu phát hiện tình trạng nồng độ chất dinh dưỡng quá cao khiến rễ bị nát, chất nước bị ô nhiễm, có mùi hôi thối thì nên cắt bỏ phần rễ bị thối và kịp thời rửa rễ, thay nước mới.

Thay nước định kỳ cho cây hoa thủy canh

Kỹ thuật thay nước trong việc quản lý và chăm sóc cây hoa trồng bằng nước là một khâu quan trọng trong việc đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây hoa. Vậy những nguyên nhân nào khiến chúng ta phải thường xuyên thay nước?

Trước hết, điều kiện sinh trưởng của thực vật ngoài ánh sáng mặt trời còn có nước, chất dinh dưỡng, không khí. Vấn đề nước và dinh dưỡng có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây, nhưng lượng khí ô-xy trong nước thì sẽ dần mất đi khi cây lớn dần, tới một mức độ nhất định sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây. Tuy ô-xy trong không khí không ngừng bổ sung cho ô-xy trong nước nhưng về lượng là không đủ.

Thứ hai, bộ rễ ở trong nước của cây một phần hấp thu dinh dưỡng trong nước, phần khác lại thải ra nước một số vật chất hữu cơ, cũng có thể thải ra độc tố hoặc chất thải, những chất này tích lại trong nước, rất không có lợi cho sự sinh trưởng của cây.

Thứ ba, với dung dịch dinh dưỡng thường xuyên thêm vào nước, một phần nguyên tố khoáng chất sẽ được bộ rễ hút vào, phần còn lại sẽ lưu lại trong nước. Khi đạt tới số lượng nhất định cũng không có lợi cho sự phát triển của cây.

Thứ tư, một số bộ rễ sinh trưởng trong nước trong một thời gian dài sẽ sinh ra dịch nhớt, khi dịch nhớt nhiều không chỉ ảnh hưởng tới việc hấp thu chất dinh dưỡng mà còn gây ô nhiễm nước.

Chính vì những nguyên nhân trên mà chúng ta phải định kỳ thay nước và rửa rễ. Vậy làm thế nào để nắm bắt được kỹ thuật rửa rễ và thời gian rửa rễ thay nước?

Tùy chủng loại từng loài cây và tình hình thích ứng của cây để thay nước

Có một số loài đặc biệt thích ứng với môi trường nước (như các loài thủy sinh), sau khi chuyển sang trồng bằng nước có thể nhanh chóng sinh ra rễ mới từ bộ rễ cũ, đồng thời cũng phát triển rất tốt. Đối với những loài này, thời gian thay nước nên kéo dài ra đôi chút.

Đối với những loài sau khi chuyển sang trồng bằng nước không được thích ứng lắm, khả năng sinh trưởng hồi phục chậm, thậm chí còn xuất hiện tình trạng thối rễ. Đối với những loài này, khi mới tiến hành trồng bằng nước nên thường xuyên thay nước, thậm chí 1 – 2 ngày nên thay một lần. Tới khi ra rễ mới và hồi phục tốc độ sinh trưởng bình thường thì nên giảm bớt số lần thay nước.

Với những loài sinh trưởng bình thường, thân to thì thời gian thay nước nên dài hơn, do nhiều nguyên nhân khiến thân cây sinh trưởng không tốt thì nên thay nước thường xuyên.

Tùy vào nhiệt độ và khả năng điều tiết sinh trưởng của thực vật

Khi nhiệt độ cao, trong nước chứa ít ô-xy, khi nhiệt độ thấp trong nước chứa nhiều ô-xy. Chính vì vậy vào mùa nhiệt độ cao nên thay nước thường xuyên, khi nhiệt độ xuống thấp thì giãn cách ra lâu hơn.

Tổng kết lại những điểm trên đây, khi thay nước rửa rễ nên chú ý: Mùa hè nóng nực 4 – 5 ngày nên thay một lần; vào tiết Xuân Thu có thể 1 tuần/lần. Thời gian thay nước vào mùa đông nên dài ra hơn, thông thường từ 15 – 20 ngày là được.

Khi thay nước cần chú ý rửa bỏ đi chất nhớt ở rễ cây, chú ý không làm tổn thương bộ rễ. Nếu phát hiện thấy có tảo bám vào thì nên lập tức loại trừ, nâng cao giá trị thẩm mỹ và có lợi cho sự sinh trưởng bình thường của cây.

Phun nước tạo độ ẩm cho cây hoa thủy canh

Những loài thực vật trồng bằng nước, đặc biệt là những loài ngắm lá phần lớn đều ưa không khí có độ ẩm cao. Nếu không khí trong phòng quá khô sẽ khiến lá bị teo viền lá hoặc mũi lá, ảnh hưởng tới giá trị thẩm mỹ của cây. Do đó, nên thường xuyên phun nước quanh cây để nâng cao độ ẩm cho cây.

Thông gió cho cây hoa thủy canh

Cây trồng trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lượng ô-xy trong nước, mà lượng ô-xy trong nước lại phụ thuộc vào hoạt động của người sống trong phòng và điều kiện

thông gió. Khi điều kiện thông gió trong phòng không tốt, người qua lại nhiều thì lượng ô-xy trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây. Ngược lại, nếu đảm bảo cho phòng được thông gió tốt có thể tăng thêm ô-xy trong nước. Do đó, những nơi có cây trồng bằng nước nên tăng cường công tác thông gió, duy trì sự tươi mới của luồng không khí, có lợi cho cây phát triển.

Cắt tỉa kịp thời cho cây hoa thủy canh

Với những cây mọc quá rậm hoặc bộ rễ quá phát triển, ảnh hưởng tới hình dáng của cây thì nên cắt bớt những cành mọc quá dài. Có thể đem cành bị cắt cắm xuống đất để thúc ra rễ. Thời gian cắt nên được tiến hành vào mùa xuân, cũng có thể kết hợp với thay nước. Nên kịp thời cắt đi rễ thừa, rễ già hoặc nát để cây phát triển tốt.

Giữ vệ sinh cho cây hoa thủy canh

Bình thường không nên cho thức ăn cá và phân hữu cơ vào trong nước đang trồng cây, cũng không nên tùy tiện thò tay vào nước, đảm bảo cho chất nước không thay đổi, không ô nhiễm.

Chú ý nhiệt độ

Những thực vật ngắm lá thường thuộc loài không có khả năng chịu rét, nhiệt độ sinh trưởng phù hợp thường từ 18 – 25 độ. Nhiệt độ sinh trưởng phù hợp với cây hoa trồng bằng nước thường từ 15 – 30 độ, như vậy mới đảm bảo cho cây sinh trưởng bình thường, ra lá xanh mướt.

 Bày biện khoa học

Ánh sáng trong phòng không đủ, ngoài những loài thực vật ưa bóng râm ra thì những loài ngắm hoa, ngắm quả khác đều cần nhiều ánh sáng. Nếu thường xuyên để trong phòng có thể sẽ khiến lá bị vàng và sinh trưởng yếu ớt. Chính vì vậy, nên đặt ở bậu cửa sổ nơi có ánh nắng hắt vào, như: kim quất, đào, hoa hồng, tú cầu v… Tuy nhiên, cây hoa trồng bằng nước khác với loài trồng trong đất ở chỗ, không được để ánh sáng chiếu trực tiếp vào rễ, nếu không rễ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, bị chuyển thành màu đen hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị nát hoặc chết.

Ánh sáng quá mạnh có thể khiến cây hoa trồng bằng nước bị sinh ra tảo, vừa ảnh hưởng tới việc hút chất dinh dưỡng và ô-xy của rễ, vừa ảnh hưởng tới mỹ quan. Cho nên cách bày biện khoa học là: với những cây ngắm lá thông thường nên bày trên bàn làm việc, bàn uống nước, bàn ăn, bên cạnh máy tính và trong phòng khách, phòng bếp. Những loài ưa ánh sáng nên bày trước bậu cửa sổ kính có độ lọt ánh sáng tốt nhưng không để đón ánh sáng trực tiếp.

Ngoài ra, giữa cây cối và kiến trúc cũng nên có khoảng cách, nếu không sẽ khiến rối mắt, khiến không gian bị hẹp đi, đồng thời cũng không có lợi cho cây phát triển.

Tránh sâu bệnh cho cây hoa thủy canh

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng trong nhà dễ khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, và cũng không tiện dụng. Do đó cũng có thể

lựa chọn một vài phương pháp tự chế, ví dụ: bột giặt, nước ớt cay, nước tỏi có thể chống nhện đỏ, dùng giấm có thể chống vi khuẩn vv… Dưới đây tổng kết một số kinh nghiệm đơn giản để bạn đọc tham khảo:

Chống côn trùng

– Dầu gió: Dùng dầu gió pha loãng 700 lần phun vào có thể thẩm thấu vào trong thân thể côn trùng, khiến chúng bị chết. Đặc biệt hữu hiệu với những loại côn trùng thân mềm.

– Nước rửa bát: Dùng nước rửa bát đem pha loãng 500 lần thêm một giọt dầu salat, phun liên tục 3 ngày có thể diệt được côn trùng, lại phun thêm nước sạch để giảm tác dụng phụ của nước rửa bát.

– Màng có màu: Dưới chậu hoa đặt màng màu bạc hoặc trên thân cây treo giấy kích xám để đuổi những loại bọ chét bay có cánh. Cũng có thể treo trên cây tấm màu vàng, bên trên có bôi dầu xe để dính chúng lại, giảm thiểu phát sinh, tránh trùng bệnh lây lan.

– Dùng thực vật: Lấy vài nhánh tỏi bóc vỏ đập dập pha loãng 15 lần, ngâm 24 tiếng xong đem lấy nước cốt, phun lên lá có thể chống bọ chét, nhện đỏ v.v. Ngoài ra dùng: bạc hà, oải hương, lá hẹ, hành tây, thuốc lá đem ngâm lấy nước cũng có thể chống được các loại này.

– Dung dịch hỗn hợp: Đem bột giặt, amoniac trộn với tỉ lệ 1:4 thêm 100 lần nước, quấy đều thành dung dịch xong phun lên thân cây vừa có thể diệt côn trùng vừa có tác dụng bón phân.

– Hun: Dùng một đĩa hương muỗi để cạnh chỗ có sâu hại, dùng túi nilông quấn chặt hun khoảng một tiếng, có thể diệt được cả côn trùng và trứng côn trùng.

– Cách chống ốc sên: Đổ bia vào một chiếc đĩa nông đem để ra đất, ốc sên ngửi mùi bia sẽ tự bò vào đĩa rồi chết.

Phòng chống bệnh cho cây

Bệnh vàng lá và thối rễ là các bệnh thường gặp nhất của các loài cây hoa trồng bằng nước.

* Nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá:

– Không đủ dung dịch dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu phân đạm, khiến lá quắt, mỏng và vàng. Thêm lượng phân đạm vừa đủ sẽ có thể giải quyết được vấn đề này.

– Một số nơi chất nước bị nhiễm mặn hoặc nhiễm chua nghiêm trọng khiến một số nguyên tố trong dung dịch dinh dưỡng bị lắng đọng lại, khiến cây bị thiếu dinh dưỡng, mặt lá xuất hiện những đốm vàng, úa lá. Tiến hành điều chỉnh độ chua mặn trong dung dịch dinh dưỡng rồi dùng giấy pH thử lại.

– Đối với cây hoa trồng bằng nước, thông thường chúng ta bày biện trong nhà, những loài thực vật thích ánh sáng sống lâu trong môi trường thiếu ánh sáng có thể sinh ra sinh trưởng yếu, lá mỏng và vàng, không nở hoa hoặc ít nở hoa. Khi trồng những loài này nên bày ở những nơi hướng ra ánh sáng.

– Thời tiết lạnh có khi nhiệt độ trong phòng xuống dưới 10 độ C, đối với những loài thích nhiệt độ cao sẽ bị

ảnh hưởng, bị vàng và rụng lá. Nếu nhiệt độ trong phòng xuống dưới 5 độ thì phần lớn những loài sợ lạnh đều chịu ảnh hưởng, lá, hoa và quả đều bị vàng, khô và dễ rụng. Do đó, sau khi bày biện trong phòng nên tiến hành điều chỉnh nhiệt độ phòng cho hợp lý.

Nguyên nhân khiến cây hoa bị vàng lá đôi khi chỉ là một loại, đôi khi là nhiều loại cùng lúc diễn ra. Do đó, phải quan sát phát hiện đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý đúng đắn.

* Các biện pháp xử lý

– Các biện pháp xử lý thối rễ: cắt bỏ đi phần rễ bị thối, khử trùng cho vết cắt, rửa sạch và khử trùng bình trồng sau đó tiến hành xử lý để cho ra rễ mới.

– Thân cây khô héo: Tuy rễ cây được ngâm trong nước nhưng toàn bộ thân cây vẫn xuất hiện tình trạng thiếu nước, lá rủ xuống chuyển màu vàng rồi dần bị rụng. Nguyên nhân chủ yếu là bộ rễ có vấn đề, phương pháp xử lý là cắt bỏ đi phần rễ bị thối.

Chăm cá và hoa

Để tác phẩm cây trồng được mỹ quan, hài hòa, rất nhiều người yêu cây vừa trồng hoa vừa nuôi cá, tạo không gian tĩnh động kết hợp.

Vậy có phải chúng ta có thể nuôi mọi loại cá, sử dụng mọi loại dung dịch dinh dưỡng hay không?

Đối với một số loài cá khó nuôi có thể không thêm dung dịch dinh dưỡng, chỉ cần bón thêm ở phần rổ cố định cây.

Tin tức liên quan

Kỹ thuật trồng các loại đậu

Rau đậu được gọi là “thịt thực vật”, một số loại đậu thân dây, phải làm giàn đỡ, chăm bón cũng ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn quả

Trong rau ăn quả thành phần chủ yếu là nước, chiếm tới 70%-80%, nó là loại thực phẩm bổ sung nước cho cơ thể ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn củ

Rau ăn củ là loại rau nhiều tinh bột hơn so với loại rau lá. Có thể nâng cao càng nhiều nhiệt lượng cho cơ thể, ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn lá

Rau ăn lá là “vị khách” thường có trên bàn ăn của mọi nhà, nó hàm chứa các chất mà cơ thể người ...

Các dụng cụ trồng rau tại nhà

Trồng rau trong chậu hoa Trồng rau trong chậu hoa không chỉ cung cấp không gian phát triển cho bộ rễ của ...

Kỹ thuật bón phân cho rau ở vườn nhà

So với trồng khoai lúa, trồng rau nhu cần bón phân càng nhiều hơn, nhưng chủng loại rau rất nhiều đặc ...