Cơ chế tác dụng của kích dục tố đối với tế bào trứng
Khi tuyển sinh dục của cá đã thành thục và chuyển sang trạng thái sinh sản, nếu có sự tác động đồng thời của các yếu tố môi trường. Quá trình xảy ra theo sơ đồ sau:
Khi các yếu tố bên ngoài tác động sẽ được các cơ quan cảm giác tiếp nhận. Từ đây hình thành các xung động thần kinh dẫn truyền về trung ương thần kinh. Trung ương thần kinh kích thích sự hoạt động của Hypothalamus để tiết ra các chất giải phóng kích thích tố RH – LH và RH – FSH.
Các kích thích tố này đến tác dụng vào tuyến não thuỳ để não thuỳ tiết ra các kích thích tố tương ứng FSH (Folicul Stimulating Hormone) và LH (Lutein Hormone). Chính các kích thích tố này có tác dụng trực tiếp đến quá trình đẻ trứng của cá.
Khi trứng đã ở trạng thái sẵn sàng sinh sản thì nang trứng là nơi tiếp nhận kích thích tố. Chính FSH và LH làm cho lớp trong cùng của tế bào Folicul phát dục thành thục thêm một bước, các tế bào này tự biến đổi và tiết ra một chất tương tự như Progesteron – noãn tố. Noãn tố ngấm ra ngoài tế bào folicul để kích thích sự tiết men phân huỷ Protein. Tới một lúc nào đó, màng folicul bị vỡ ra và trứng rơi vào xoang buồng trứng. Lúc đó trứng ở trạng thái tự do.
Do nang trứng là nơi tiếp nhận kích tố nên phản ứng của nó đối với kích tố cũng khác nhau, tuỳ theo mức độ thành thục của bản thân nang trứng. Do vậy, người ta thấy rằng sự thành thục của tế bào trứng với nang trứng là hai quá trình độc lập, không phụ thuộc vào nhau, nhưng khi chín và rụng lại phải xảy ra nhịp nhàng có trước có sau. Nếu hai quá trình này xảy ra không nhịp nhàng dẫn tới hai trường hợp sau:
– Màng folicul vỡ và thải trứng quá sớm, trong khi đó tế bào trứng chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận sự thụ tinh.
– Màng folicul chưa vỡ mà trứng đã chín, khi màng folicul vỡ và trứng được thải ra ngoài thì mất khả năng thụ tinh do ngạt trong cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến hai trường hợp này có thể do: – Nhiệt độ môi trường khi cá đẻ quá cao hoặc quá thấp.
– Sử dụng liều lượng kích thích tố không hợp lý và cũng có thể do kích thích tố có hoạt tính thấp.
– Cá bị thương sức khoẻ yếu do đánh bắt hoặc do vận | chuyển đường dài.
– Trong quá trình đẻ môi trường bị thiếu oxy trầm trọng.
Như vậy, điều rõ ràng khi kích thích cá sinh sản nhân tạo bằng kích thích tố cần lưu ý tới các điều kiện tự nhiên khi cho cá đẻ và hơn hết là phải xác định chính xác thời điểm tế bào trứng ở giai đoạn chín muồi thì kết quả sinh sản mới cao.
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự kích thích sinh sản của cá
Dòng nước
Ngoài tự nhiên khi cá đẻ thì vấn đề lưu tốc dòng nước không thể thiếu được. Còn khi cá đẻ trong các bể đẻ thì lưu tốc của dòng chảy tuy không có tác dụng quyết định đến sự đẻ trứng của cá nhưng lại có tác dụng nâng cao tỷ lệ đẻ và tỷ lệ nở của trứng nhất là đối với cá Trắm cỏ, cá Mè trắng, cá Trôi. Tác dụng của dòng nước trong trường hợp này có thể kích thích sự động hớn của cá bố mẹ và làm cho cá đẻ trứng, phóng tinh, đồng thời làm tăng cơ hội tiếp xúc giữa trứng với tinh trùng. Ngoài ra còn làm cho trứng không bị chìm ở đáy bể sau khi trường nước và làm tăng lượng oxy hoà tan trong bể đẻ.
Nhiệt độ nước
Mỗi loài cá đều có khoảng nhiệt độ thích hợp cho sinh sản riêng nhưng bản thân cá cũng có khả năng đẻ trứng trong một khoảng dao động nhất định về nhiệt độ và có thể nói, chính sự biến đổi nhiệt độ này cũng có thể có tác dụng thúc đẩy quá trình chín trứng và rụng trứng của cá.
Khi cho cá sinh sản nhân tạo thì nhiệt độ cũng có một vai trò nhất định nhưng thường không rõ ràng. Ảnh hưởng đối với sự sinh sản của cá trong điều kiện sinh sản nhân tạo chỉ rõ ràng khi cho cá đẻ vào thời gian tháng 5-7 là tháng nóng nhất trong năm.
Bản thân cá bố mẹ
Khi nói tới bản thân cá bố mẹ có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh sản tức là muốn nói tới mức độ thành thục của cá ở trạng thái bình thường hay ở trạng thái rối loạn sinh lý sinh sản.
Vấn đề này cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể và đi sâu vào bản chất của nó cho nên chúng tôi chỉ trình bày ở mức độ đánh giá một cách tổng quan xuất phát từ những kết quả thực tế.
Từ thực tế ghi nhận được các ao nuôi vỗ cá bố mẹ tại các cơ sở không đủ độ sâu cần thiết, cho nên vào khoảng tháng 6 – 7 nhiệt độ nước của ao có thể vượt khỏi giới hạn thích hợp của cá, nhất là khoảng 14 -16 giờ. Trong ngày, nhiệt độ tầng nước mặt có thể lên tới 34-360C. Như vậy, trong vòng 12 giờ, cá phải sống 2 giờ trong điều kiện nhiệt độ cao. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển của tuyển sinh dục, đặc biệt đối với những loài có nguồn gốc ôn đới di nhập vào nước ta như Mè trắng, Trắm cỏ. Vì vậy, vào thời điểm này, cho đẻ thường đem lại hiệu quả không cao.
Mặt khác, cũng do sử dụng thức ăn là phế liệu của nhà máy đông lạnh quá mức (tương tự như một loại phân bón) cũng dễ gây ra hiện tượng thiếu oxy vào lúc 4-6 giờ sáng ở những ao không đủ độ sâu và ít được thay nước. Đối với những ao không được thay nước, vấn đề này thường trầm trọng hơn.
Ngoài ra, những cá có dị tật bẩm sinh trong buồng trứng, bị thương do đánh bắt hoặc do vận chuyển đều khó sinh sản. Do vậy, cần phải loại bỏ những cá này trước khi tuyển lựa cho đẻ.