Nuôi cá nước chảy là hình thức nuôi trong các thủy vực nước thường xuyên lưu thông sông, suối… để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên ở sông suối theo nước vào, nhất là nguồn cung cấp oxy, các chất khoáng để làm giàu chất dinh dưỡng cho ao.
Hình thức nuôi cá ao nước chảy rất phù hợp với các gia đình ở miền núi, đầu tư ban đầu không cao nên đã được nhiều nơi nuôi như Bình Liêu (Quảng Ninh), Mai Châu (Hoà Bình), A Lưới (Thừa Thiên) …
Xây dựng ao nuôi cá nước chảy
Ao có thể đào, đắp gần suối, khe, kênh rạch hay bất cứ nơi nào thuận tiện cho việc cung cấp nước, hoặc có thể lợi dụng các thung lũng nhỏ có nguồn nước suối nhỏ chảy vào để đắp đập dâng nước lên làm ao. .
Hình dạng ao tuỳ theo địa hình nhưng tốt nhất là hình chữ nhật.
Diện tích ao nước chảy thường xây dựng từ 50 – 300m2, độ sâu mức nước trong ao từ 1- 1,5m.
Đáy ao có thể là đá, sỏi hay bùn đất ít chất dinh dưỡng, đáy ao có độ dốc về phía công tiêu để tiện cho việc tháo nước.
Bờ ao nên làm chắc chắn, bờ ao cao hơn mực nước cao nhất trong ao từ 0,7-1m, có mượng tiêu nước đề phòng mưa lũ.
Cống: trong ao nước chảy thường có từ hai cống trở lên và cống phải có mạng tràn.
– Nguồn nước chảy: tuỳ theo diện tích ao rộng, hẹp mà đặt ống dẫn nước, thoát nước có đường kính to hay nhỏ cho thích hợp. Nguồn nước cấp vào trong ao phải đảm bảo được chất lượng và số lượng, tức là phải đảm bảo lưu lượng chảy và các chỉ tiêu thủy lý, thủy hoá như độ pH từ 6,5 – 7,5, hàm lượng oxy phải cao. Nếu nguồn nước cấp cho ao quá đục, nhiều phù xa thì phải xây ao chứa lắng để lọc nước trước khi cho vào ao nuôi.
Thả cá giống
Đối tượng nuôi cá ao nước chảy không giống hoàn toàn với ao nuôi cá nước tĩnh, thường là những đối tượng ăn trực tiếp như Trắm cỏ, Chép, Lóc, Tra, Ba sa, Rô phi.
Giống cá thả: Chọn những con khoẻ mạnh, không bị bệnh, không dị hình, đồng đều về kích cỡ. Kích cỡ cá thả: cá Chép từ 8 – 10cm, cá Trắm cỏ từ 12 – 15cm, cá Tra từ 8 – 15cm.
Mật độ cá thả từ 3 – 4 con/m2.
Thời vụ nuôi cá ao nước chảy hầu như quanh năm, riêng các tỉnh miền núi thường thả vào sau mùa mưa bão.
Chăm sóc và quản lý
Thức ăn và kỹ thuật cho ăn
Thức ăn trong nuôi cá ao nước chảy dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn nhân tạo. Các loại thức ăn thường được sử dụng là nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên hoặc thức ăn chế biến.
Ở vùng trung du miền núi, trong ao nuôi cá Trắm cỏ thường tận dụng các loại rau cỏ, lá sắn, thân cây ngô, lá chuối. Khi cá còn nhỏ có thể sử dụng các loại thức ăn sẵn có như bèo, cỏ non.
Khẩu phần thức ăn cho cá Trắm cỏ
Cá còn nhỏ cho cá ăn béo, cỏ non, lá mềm băm nhỏ với lượng thức ăn hàng ngày từ 30 – 50% khối lượng thân. Ngoài thức ăn xanh, cho cá ăn thêm thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn. Dựa vào lượng thức ăn thừa hay thiếu hàng ngày để tăng giảm khẩu phần cho ăn. Trước khi cho cá ăn nên vét sạch thức ăn cũ còn tồn lại. Cho cá ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Thức ăn xanh cho vào khung neo nổi, thức ăn tinh cho vào sàng ăn đặt ở góc ao.
Đối với các loại cá khác như Chép, Trôi Ấn Độ, Rô phi, trong ao nước chảy người ta thường sử dụng các loại thức ăn viên từ các nhà máy chế biến hay thức ăn tự chế biến. Hiện nay, người ta đã sản xuất được loại thức ăn viên chìm dành cho cá ăn đáy. Khẩu phần thức ăn viên từ 3 – 5% khối lượng thân cho ăn từ 3 – 6 lần/ngày.
Quản lý ao nuôi
Trong ao nước chảy, chúng ta phải quan sát xung quanh ao, chú ý đến tốc độ dòng chảy, hệ thống lưới chắn ở hai đầu để phát hiện những sự cố như rách lưới hoặc lưới bị cỏ, rác lấp.
Hàng ngày, cần kiểm tra xem cá có ăn hết thức ăn không, cá có bị nổi đầu không, có hiện tượng có thân vào cây không… Nếu quan sát ao thấy hiện tượng cá nổi đầu nhiều trong ao phải thêm nước vào và rút hết nước cũ hoặc thay toàn bộ nước nếu cá nổi đầu nhiều.
Ao nuôi nên được rào kín, dưới ao thả trà cho cá trú ẩn. Có biện pháp chống mất trộm và cá dữ ăn thịt.
Thu hoạch
Nuôi ao cá nước chảy tốt nhất là đánh tỉa, thả bù để nâng cao năng suất, đạt hiệu quả cao. Khi thu hoạch toàn bộ cần giữ lại cá nhỏ để nuôi tiếp, sau đó chuẩn bị lại ao ngay để nuôi vụ sau.