Kỹ thuật nuôi cá ao nước tĩnh

Các hình thức nuôi cá ao nước tĩnh

Nuôi cá ao nước tĩnh là một ngành nghề sản xuất có tính quần chúng rộng rãi. Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn của ngành, nhiều cơ sở đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của mình, từ đó đã từng bước nâng cao năng suất và sản lượng nuôi.

Nuôi cá ao nước tĩnh có 2 hình thức nuôi chủ yếu: nuôi đơn và nuôi ghép.

– Hình thức nuôi đơn: trong ao chỉ nuôi một đối tượng. Hình thức này được áp dụng trong chăn nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu, xuất hiện chủ yếu ở các nước phương Tây.

– Hình thức nuôi ghép: nuôi hỗn hợp hai hay nhiều loài cá trong một ao, trong đó có xác định đối tượng nuôi chính và nuôi phụ. Hình thức này được áp dụng chủ yếu ở các nước châu Á. Hình thức nuôi ghép đã góp phần hạ giá thành so với hình thức nuôi đơn từ 20 – 30%.

Nuôi đơn và nuôi ghép đều có cơ sở khoa học và những điều kiện ứng dụng nhất định. Ở nước ta hiện nay, hình thức nuôi ghép được áp dụng phổ biến hơn nhiều so với hình thức nuôi đơn.

Điều kiện ao nuôi cá thịt và công việc chuẩn bị trước khi thả cá

Điều kiện ao nuôi cá

* Vị trí ao nuôi cá

Ao nuôi cá nên chọn đào ở những nơi có điều kiện như sau:

Gần kênh, rạch để tiện lợi cho việc cấp và thoát nước,

– Đào ở nơi đất thịt và ít phèn.

– Gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ.

– Không trồng cây lớn quanh bờ ao vì cây lớn sẽ che ánh sáng mặt trời làm cho năng suất của ao giảm. Đồng thời lá cây rụng xuống làm thối nước và gây ô nhiễm môi trường.

* Diện tích

Nhìn chung, ao càng rộng, thoáng càng tạo không gian hoạt động thoải mái cho cá. Ao càng rộng càng giữ được sự ổn định môi trường khi thời tiết thay đổi. Ao rộng, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và oxy ít hơn ao nhỏ.

Ao rộng dưới tác động của gió sẽ tạo thành dòng đối lưu giữa tầng mặt và tầng đáy, giữa khu vực này và khu vực khác của ao, tạo điều kiện cho sự điều hoà phân phối các chất dinh dưỡng và oxy trong nước ao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thức ăn tự nhiên, làm tăng năng suất cá nuôi..

Để đạt được năng suất và sản lượng cá nuôi cao, nên đào ao có diện tích hơn 1.000m2. Tuy vậy, cũng có thể tận dụng các ao nhỏ để nuôi cá được. Những ao nhỏ, cá chậm lớn, năng suất cá nuôi thấp hơn.

* Độ sâu

Ao sâu, bờ ao vừa làm gia tăng khối nước trong ao, tạo không gian hoạt động thoải mái cho cá, đồng thời cũng bảo vệ cá khỏi vượt ra bên ngoài khi nước lũ. Thông thường, trong khoảng chiều sâu thích hợp, nếu càng gia tăng chiều sâu của ao thì năng suất càng cao, ao sâu thường giữ được nhiệt độ ổn định hơn ao cạn và thả được số lượng cá nhiều hơn.

Tuy vậy, nếu ao quá sâu thì cũng không tốt. Bởi vì, ao sâu có ảnh hưởng tới chất lượng công trình, đồng thời lớp nước dưới đáy ít được trao đổi, chất lắng đọng nhiều, nhiệt độ thấp, oxy hoà tan thấp, thức ăn tự nhiên giảm nên không thuận lợi cho đời sống của cá.

Thường ao nuôi cá thịt có độ sâu 1,5 – 2,5m là thích hợp. Những ao cạn (0,5 – 0,6m) sẽ làm nhiệt độ nước tăng cao vào mùa hè nên ảnh hưởng không tốt đến đời sống của cá.

* Chất nước

Nước nuôi cá tốt có thể là nước mạch hoặc nước ngầm nhưng phải chủ động và trong sạch, không bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, các chất hoá học… nước chua phèn hoặc kiềm quá đều không tốt.

Thường tiêu chuẩn của nước nuôi cá phải có hàm lượng oxy hoà tan cao, không có hoặc có hàm lượng kim loại nặng rất thấp, pH từ 7 – 8, nhiệt độ 22 – 30°C.

* Đáy ao

Đất của đáy ao vừa ảnh hưởng tới chất lượng công trình vừa ảnh hưởng tới chất lượng nước, đến các sinh vật làm thức ăn và cá. Đáy ao nhiều bạn làm ô nhiễm nền đáy, dễ gây bệnh cho cá, đồng thời cũng làm lắng đọng nhiều chất dinh dưỡng dưới đáy nên dinh dưỡng của ao kém.

Nếu ao đáy cát, độ thẩm thấu lớn, dễ bị sạt lở, không giữ được nước nên ao rất nghèo dinh dưỡng. Những ao nuôi cá tốt là những ai có nền là đất thịt hoặc thịt pha cát trung bình và có lớp bùn đáy dày khoảng 20cm, đáy bằng phẳng và hơi nghiêng về phía cống thoát nước với độ dốc khoảng 0,3 – 0,5%.

Công tác chuẩn bị trước khi thả cá

* Tầm quan trọng của việc tu bổ, dọn tẩy ao

Ao là môi trường sống của các loài cá nuôi, điều kiện của ao nuôi có tốt hay không đều trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng và sự sống của cá. Vì vậy, cải tạo môi trường là một khâu quan trọng trong việc nâng cao sản lượng cá nuôi. Sau mỗi vụ nuôi cá thường có thức ăn dư thừa và phân cá thải ra lắng đọng ở đáy. Vì vậy, nơi đây có nhiều mùn bã hữu cơ thối bẩn, nơi có nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh, cải tạo trước khi nuôi là diệt các loại cá dữ, cá tạp và các sinh vật hại cá và cạnh tranh thức ăn với cá nuôi…

Một số tác dụng của việc cải tạo ao trước khi nuôi cá:

– Biến ao nghèo dinh dưỡng thành ao giàu dinh dưỡng: sự gia tăng chất dinh dưỡng trong ao được thực hiện nhờ tháo cạn nước, phơi khô đáy, bón vôi, làm nền đáy tơi, xốp, thông khí, đẩy mạnh quá trình khoáng hoá chất mùn, tạo thành chất dinh dưỡng cho nước. Đồng thời phơi đáy cũng giảm bớt được bệnh cho cá.

– Tăng thêm lượng cá thả: sau khi vét bùn ao sẽ sâu thêm, ao giàu dinh dưỡng hơn nên thả được cá nhiều hơn.

. – Biến ao rò rỉ mất nước thành ao giữ được nước: những ao mất nước thường rất nghèo dinh dưỡng, tốn thức ăn, phân bón, chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp.

– Diệt trừ cá dữ, cá tạp và các sinh vật khác cạnh tranh thức ăn với cá nuôi.

– Tăng thêm phân bón cho ruộng và hoa màu. * Phương pháp tu bổ và dọn tẩy ao

Ở những ao có thể chủ động tháo, cấp nước, trước khi thả cá 10 ngày tiến hành tháo cạn nước ao (thông thường làm kết hợp với các thời kỳ sau thu hoạch cá mỗi năm). Dọn cỏ, phát cây quanh bờ ao. Đắp lại chỗ sạt lở và hang hốc, vét bùn đáy sau đó dùng vôi rải đều khắp ao (khoảng 5-10 kg/100m2). Phơi cho đáy ao vừa khô nước (đối với ao chua phèn chỉ nên phơi cho vừa ráo đáy là được). Ở những ao cá bệnh phải dùng số lượng với cao hơn (gấp 2 lần) và phải phơi kỹ ao.

Sau khi phơi ao, cần phải bón lót để gây nuôi thức ăn tự nhiên cho cá. Dùng 20-30kg phân hữu cơ (phân gà, vịt, lợn…) cho 100m2 ao. Đồng thời kết hợp thêm phân xanh (lá so đũa, điền thanh, dâm bụt…) 10-15kg/100m2. Cũng có thể bón kết hợp giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, lượng phân vô cơ là 0,3 – 0,5kg/100m2 (dùng phân Ure + phân lân theo tỉ lệ 2N + 1P) kết hợp với 10 – 15kg phân chuồng.

Sau khi bón lót sẽ lấy nước vào ao. Chú ý khi lấy nước vào ao, đầu ống cống phải bịt lưới để ngăn ngừa cá tạp, cá dữ vào ao. Giữ nước 30-40cm trong 4 – 6 ngày đầu sau đó thì lấy nước vào đầy ao.

Đối với những ao không đủ điều kiện tháo cạn, không có nguồn nước chủ động, diện tích nhỏ, hoặc ao bỏ hoang lâu ngày không tu sửa, đáy ao tích nhiều bùn, lá cây, nhiều cỏ dại, rong bèo, những ao như vậy nuôi cá không kết quả. Loại ao này muốn sử dụng nuôi cá phải cải tạo, tuỳ theo điều kiện cụ thể để cải tạo cho phù hợp: cần don sach cây cỏ, rong bèo. cây quanh bờ ao cho quang đãng, vét bớt bùn đáy và bón thêm vôi cho ao (dùng 10kg/100m2).

Chọn hỗn hợp và mật độ cá nuôi

Nuôi hỗn hợp

S. Swingle (1960) cho rằng: “Sản lượng cao nhất của một loài cá thu được bằng cách chọn nuôi những loài cá ăn phiêu sinh vật chuỗi thức ăn ngắn nhất nhưng sản lượng tổng cộng cao nhất trên 1ha chỉ thu được khi nuôi hỗn hợp một số cá ăn những thức ăn khác nhau”.

Như vậy, vấn đề lựa chọn một hỗn hợp hợp lý cho một vùng nước nhằm tận dụng hết những thức ăn ở thủy vực đó, đồng thời giữa các loài cá đó phải có các quan hệ bổ sung cho nhau. Điều này thật khó khăn và phức tạp bởi vì quá trình sản xuất thức ăn và tiêu thụ là liên tục, trong khi phổ dinh dưỡng của các loài cá nuôi có những loại thức ăn trùng nhau nên sẽ dẫn đến sự cạnh tranh thức ăn.

Tuy nhiên, cũng có thể dựa vào một số yếu tố sau để chọn hỗn hợp và mật độ:

– Điều kiện môi trường có phù hợp cho những loài định nuôi hay không.

– Tính ăn của các loài.

– Tập tính sống của loài.

Dựa trên cơ sở đó, có thể chọn một trong các công thức sau để nuôi:

* Ao nuôi Rô phi là chính

Loài cá Tỉ lệ (%)
Rô phi

Mè trắng

Mè Vinh

Chép

Trôi Ấn Độ

Tra

50

17

10

10

10

3

* Ao nuôi cá Mè trắng là chính

Loài cá Tỉ lệ (%)
Mè Trắng

Rô phi

Mè Vinh

Chép

Trôi Ấn Độ

Tra

Tai tượng

50

20

8

7

7

5

3

* Ao nuôi cá Tra là chính

Loài cá Tỉ lệ (%)
Tra

Mè Trắng

Hường

Rô phi

Chép

50

20

10

10

10

*Ao nuôi cá Trắm cỏ là chính

Loài cá Tỉ lệ (%)
Trắm cỏ

Mè trắng

Trôi Ấn Độ

Chép

Rô phi

Tra

50

20

10

8

10

2

Ở ao nuôi cá Rô phi là chính cần chú ý những đặc điểm sau:

– Ao không được quá nhiều bùn (vì không thích hợp cho cá làm tổ, trứng bị ung nhiều).

– Cần có nước nông 0,5 – 0,6m (chiếm khoảng 20 – 30% diện tích đáy), nền đáy đất thịt, hoặc thịt pha cát để cá làm tổ.

Loại ao này có thể đào xung quanh sâu, ở giữa cạn hoặc một đầu cạn một đầu sâu.

Ở ao nuôi cá Trắm cỏ là chính, cần lưu ý cung cấp đầy đủ lượng thức ăn xanh cho cá. Khối lượng thức ăn xanh hàng ngày bằng 10-30% khối lượng cá trong ao. Khi cho cá ăn phải rải vào khung bằng tre, gỗ có diện tích bằng 10-12 m2, mỗi khung cho ăn được khoảng 800 – 1000 con cá.

Nuôi đơn

Cũng có thể áp dụng nuôi đơn một loài cá trong ao. Trong trường hợp này nên chọn cá Trê lại. Cá Trê lại khi nuôi phải chú ý đến nguồn cung cấp thức ăn. Những loại thức ăn thường được dùng nuôi cá Trê lại có hiệu quả tốt, giá thành sản xuất giảm là đầu tôm, phế phẩm phụ của lò mổ…

Ngoài ra cũng có thể sử dụng phân lợn tươi, phân gà… để nuôi chúng, những loại thức ăn này cá chậm lớn hơn, thời gian nuôi kéo dài, tỉ lệ hao hụt cao.

Lượng thức ăn hàng ngày cung cấp cho cá Trê lai bằng 10% khối lượng cá (với loại thức ăn tươi sống) hoặc 5% khối lượng cá với loại thức ăn tươi sống kết hợp với phần gia súc, gia cầm. Thức ăn tươi sống được cho vào sàng ăn đặt ở nhiều nơi quanh ao cách bờ 2m, cách đáy ao 30cm.

Mật độ cá thả nuôi

Mật độ là chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng của quy trình nuôi cá. Mật độ có quan hệ tỉ lệ nghịch với sức lớn của cá. Nếu nuôi quá thưa cá lớn nhanh nhưng sản lượng không cao vì chưa sử dụng hết công suất của ao hồ. Trường hợp nuôi mật độ quá dày, sự sinh trưởng của cá giảm rõ rệt, thời gian nuôi kéo dài, kích cỡ thu hoạch nhỏ. Vì thế phải chọn mật độ nuôi vừa phải. Để chọn mật độ nuôi thích hợp cho một ao nuôi cá cần quan tâm đến các điều kiện cụ thể như sau:

– Diện tích và độ sâu ao hồ: những ao hồ lớn, độ sâu cao, mức nước trung bình trong năm sau thường thả được mật độ cao.

– Nhiệt độ nước.

– Độ màu mỡ của ao hồ: ao giàu dinh dưỡng thả được mật độ cao hơn.

– Chế độ trao đổi nước: những ao gần kênh, rạch hay các nguồn nước khác, nếu chủ động cấp thoát nước được sẽ nuôi được mật độ cao hơn.

– Kích thước cá nuôi.

– Loài cá thả nuôi .

– Trình độ quản lý chăm sóc.

– Thông thường ở những ao lớn khoảng 1000m2 nên áp dụng mật độ thả 5 – 7 con/m2 (đối với ao nuôi cá Rô phi là chính), và 3 con/m2 (với ao nuôi cá Mè trắng là chính). Trong điều kiện các ao nhỏ với diện tích từ 200 – 500m2 nên thả mật độ 3 – 5 con/m2 (với ao nuôi cá Rô phi là chính) và 2 con/m2 (đối với ao nuôi cá Mè là chính). Đối với ao nuôi cá Trắm cỏ là chính nên thả 1con/m2 và ao nuôi cá Tra là 3 con/m2. Khi nuôi đơn cá Trê lại có thể áp dụng mật độ từ 20 – 30 con/m2

Các tiêu chuẩn kỹ thuật về giống cá thả nuôi

Một trong những tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng là chất lượng cá giống thả nuôi. Những ao hồ thả nuôi với giống tốt, cá lớn nhanh, tỉ lệ hao hụt thấp, năng suất cao. Ngược lại, các ao hồ thả cá giống có phẩm chất kém, cá lớn không đều, tỉ lệ hao hụt cao, năng suất thu hoạch thấp.

Thông thường, đánh giá chất lượng giống người ta chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn kích thước (khối lượng và chiều dài) và tương quan giữa khối lượng và chiều dài, đồng thời dựa vào hình dáng, màu sắc và hoạt động của cá để lựa chọn. Có thể dựa vào một số tiêu chuẩn sau để lựa chọn cá tốt.

– Kiểm tra cá ở ao theo các biểu hiện sau:

Tốt

+ Hoạt động hoạt bát, bơi lội nhanh nhẹn.

+ Khi sợ hãi nhanh chóng lặn xuống đáy.

+ Khi nổi đầu quanh quẩn ở dưới ao.

+ Ban ngày ở dưới mặt nước.

+ Khi bắt mồi thì lao nhanh

Xấu

Hoạt động lờ đờ bơi chậm, tản mạn.

+ Khi sợ hãi hoạt động không nhanh nhẹn, bơi xuống theo chiều thẳng đứng.

+ Khi nổi đầu quanh quẩn ở bờ ao.

+ Ban ngày thường bơi lờ đờ trên mặt nước.

+ Khi bắt mồi rất chậm chạp.

 

– Kiểm tra cá trong dụng cụ chứa (giai, bể xi măng):

Tốt

+ Hoạt động hoạt bát.

+ Quy cỡ đồng đều.

+ Màu sắc sáng tươi, da nhiều nhớt

+ Đầu nhỏ, lưng rộng.

+ Bơi lội dưới mặt nước và thích bơi ngược dòng nước.

Xấu

 + Hoạt động chậm chạp.

+ Dài ngắn không đồng đều.

+ Màu sắc cá vàng, sạm đen, hoặc đen, màu sắc không đều, vẩy thiếu hoặc có hiện tượng tụ máu.

+ Đầu to, lưng hẹp.

+ Bơi lội trên mặt nước, không bơi ngược dòng.

Chất lượng cá giống thả ra ao nuôi tốt, xấu còn phụ thuộc vào kỹ thuật đánh bắt cá giống và thao tác trong quá trình vận chuyển.

Điều cần lưu ý là những cá trước khi được di chuyển đến

các ao nuôi phải được luyện kỹ, vận chuyển vào lúc trời mát, nhiệt độ thấp và mật độ vận chuyển vừa phải (xem phần vận chuyển cá).

Một số tiêu chuẩn về chiều dài đối với cá thả nuôi:

Loài cá Chiều dài (cm)
Mè trắng

Chép

Rô phi

Mè vinh

Trắm cỏ

Trôi Ấn Độ

Trê lai

Tra

12 – 15

10 – 12

6-8

6-8

12 – 15

12 – 15

10 – 12

10 – 12

Thời gian thả và thu hoạch cá nuôi

Điều đáng lưu ý khi thả cá ra ao nuôi phải xem xét điều kiện thủy lý hoá và cơ sở thức ăn tự nhiên của ao, đồng thời cũng phải chú ý tới chu kỳ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thường chu kỳ nuôi cá là một năm, nên thời gian thả cá nuôi hàng năm bắt đầu vào tháng 3, 4 và thu hoạch vào tháng 1, 2 năm sau. Cá lớn rất nhanh vào các tháng mùa mưa (tháng 5 – 9), cá lớn chậm vào các tháng 12-2. Đối với các ao nuôi cá Rô phi thả vào tháng 3-4, thu hoạch vào tháng 8-9.

Quản lý chăm sóc cá nuôi

Cần phải thay đổi quan niệm “thả cá” bằng “nuôi cá”. Như vậy có nghĩa là phải theo dõi, quan sát và cho cá ăn mỗi ngày. Việc quản lý và chăm sóc bao gồm:

– Thăm ao hàng ngày, thường xuyên giữ cho ao đủ nước, kiểm tra ống cống, chống rò rỉ mất nước. Chú ý những khi thời tiết thay đổi đột ngột, lúc giao mùa. Quan sát hiện tượng nổi đầu của cá có thể gặp những dấu hiệu sau:

+ Vào buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc, cá nổi đầu tập trung ở giữa ao, khi mặt trời mọc một lúc cá không nổi đầu nữa. Những ai trong trường hợp này có đủ thức ăn, cá lớn nhanh,

+ Cá nổi đầu khắp ao, khi có động cá lặn xuống chậm chạp. Khi mặt trời mọc cá vẫn nổi đầu. Những ai trong trường hợp này nước quá nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng oxy thấp phải ngừng cho cá ăn và bón phân, cần thiết tháo bớt nước và bơm thêm nước sạch vào ao.

+ Không thấy cá nổi đầu trên mặt nước vào buổi sáng sớm. Biểu hiện ao thiếu dinh dưỡng cần tăng cường bón phân và cho cá ăn. Ao nuôi cá có năng suất cao phải là ao có màu xanh lá chuối non. Ao không có màu xanh (đục nước, màu vàng, trong suốt…) là ao nghèo thức ăn. Ao có màu xanh đen là ao quá bẩn. .

– Trong suốt quá trình nuôi cá (ở ao nuôi Rô phi, Mè trắng là chính) phải thường xuyên bón phân cho ao. Có thể áp dụng phương pháp bón phân như sau: Lượng phân bón cho 1000m2 trong một tuần:

Tháng Phân động vật (lợn, gà, vịt)

(kg/1000 m2)

3-5

6-8

9 – 11

12 – 2

280

300

350

250

Nếu có thêm phân vô cơ (phân đạm, lân) thì giảm số lượng phân động vật và có thể áp dụng công thức như sau.

Tháng Phân động vật

(kg/1000 m2)

Đạm Ure

(kg/1000 m2)

Đạm Ure

Lân (kg/1000 m2)

3-5

6-8

9 – 11

12 – 2

140

150

180

120

1,8

2,8

2,3

3,1

1,2

1,8

1,6

1,0

Khi bón phân, rải đều khắp ao vào lúc trời nắng (lúc 8-10 giờ sáng), phân đạm, lân hoà tan vào nước khi bón. Tuy nhiên cũng tuỳ vào điều kiện cụ thể của ao nuôi (màu nước, thời tiết, tình trạng cá) để thay đổi lượng phân bón cho phù hợp.

Mỗi tháng khuấy ao một lần để đảo lộn chất dinh dưỡng đáy trở lại tầng nước đồng thời cũng làm giảm bớt khí độc tích tụ ở đáy ao (khí H2S, CH4 bay vào không khí) và luyện cá.

Theo dõi sinh trưởng của cá (khoảng 2 tháng/lần). Lúc kiểm tra sinh trưởng, cân đo 20-30 con cá mỗi loài, tính chiều dài và khối lượng bình quân để biết cá lớn nhanh hay chậm, từ đó quyết định lượng thức ăn và phân bón cho phù hợp.

Ngoài ra, khi nuôi cá mỗi ao phải có sổ ghi chép để ghi lại đầy đủ các số liệu cần thiết trong quá trình nuôi cá như: diện tích, chiều sâu nước, bùn đáy, thời gian thả, số lượng và chất lượng cá thả, số lượng và chất lượng thức ăn, phân bón, màu nước, tình hình sinh trưởng của cá, bệnh tật, điều kiện thời tiết… Trên cơ sở những số liệu thu được sẽ đánh giá đúng kết quả và xử lý kịp thời những bất trắc có thể xảy ra.

Thu hoạch

Lý thuyết về sinh trưởng, phát triển và phát dục của cá chỉ ra rằng:

– Mỗi loài cá có đặc tính sinh trưởng và phát dục riêng. – Sự sinh trưởng và phát dục của cá có tính chu kỳ và có liên quan đến điều kiện thời tiết cũng như tính chất thủy học của từng vùng.

– Sự tác động của con người thông qua các biện pháp kỹ thuật…

Bởi vậy, ta chỉ thu hoạch cá có hiệu quả cao nhất khi cá đã hoàn thành thời kỳ sinh trưởng và chuyển sang thời kỳ phát dục. Tuỳ thuộc vào mỗi loài mà chu kỳ nuôi và thu hoạch khác nhau.

Đối với cá Rô phi, sau khi nuôi 4-5 tháng có thể thu tỉa bớt cá lớn, các loài cá khác thường nuôi 1 năm mới thu hoạch.

Khi thu hoạch dùng lưới bắt bớt cá trong ao, sau cùng tát cạn thu toàn bộ. Nên tiến hành cải tạo luôn sau khi thu hoạch và chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp.

Tin tức liên quan

Kỹ thuật trồng các loại đậu

Rau đậu được gọi là “thịt thực vật”, một số loại đậu thân dây, phải làm giàn đỡ, chăm bón cũng ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn quả

Trong rau ăn quả thành phần chủ yếu là nước, chiếm tới 70%-80%, nó là loại thực phẩm bổ sung nước cho cơ thể ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn củ

Rau ăn củ là loại rau nhiều tinh bột hơn so với loại rau lá. Có thể nâng cao càng nhiều nhiệt lượng cho cơ thể, ...

Kỹ thuật trồng các loại rau ăn lá

Rau ăn lá là “vị khách” thường có trên bàn ăn của mọi nhà, nó hàm chứa các chất mà cơ thể người ...

Các dụng cụ trồng rau tại nhà

Trồng rau trong chậu hoa Trồng rau trong chậu hoa không chỉ cung cấp không gian phát triển cho bộ rễ của ...

Kỹ thuật bón phân cho rau ở vườn nhà

So với trồng khoai lúa, trồng rau nhu cần bón phân càng nhiều hơn, nhưng chủng loại rau rất nhiều đặc ...