Định nghĩa cơ thể sinh vật bị bệnh
Cơ thể sinh vật bị bệnh là hiện tượng rối loạn trạng thái sống bình thường của cơ thể khi có nguyên nhân gây bệnh tác động. Lúc này có thể mất đi sự thăng bằng, khả năng thích nghi với môi trường giảm và có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Lúc quan sát cơ thể sinh vật có bị bệnh hay không cần phải xem xét điều kiện môi trường, chẳng hạn mùa đông trong một số thủy vực nhiệt độ hạ thấp, cá nằm yên ở đáy hay ẩn nấp nơi kín không bắt mồi đó là hiện tượng bình thường, còn các mùa khác thời tiết ấm áp cá không ăn là triệu chứng bị bệnh.
Hay định nghĩa một cách khác, “bệnh là sự phản ứng của cơ thể sinh vật với sự biến đổi xấu của mỗi trường ngoại cảnh, cơ thể nào thích nghi thì tồn tại, không thích nghi thì mắc bệnh và chết”.
Nguyên nhân và điều kiện phát sinh ra bệnh
Động vật thủy sản bị bệnh do nhiều nguyên nhân của môi trường gây ra và sự phản ứng của cơ thể cá, các yếu tố này tác dụng tương hỗ lẫn nhau dưới điều kiện nhất định.
Nguyên nhân
Tác dụng kích thích gây bệnh cho cơ thể sinh vật: cơ thể sinh vật sống trong môi trường chịu nhiều tác động, đa số các yếu tố này không có hại lại rất cần để duy trì sự sống cho sinh vật như nhiệt độ nước, pH, Oxy… nhưng do tác động bởi cường độ quá mạnh, thời gian quá dài hoặc yếu tố đó không có lợi với bản thân sinh vật. Các kích thích về cơ giới, kích thích vật lý, kích thích hoá học và các kích thích do sinh vật gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh dễ dàng thấy, phổ biến nhất gây tác hại mạnh mẽ là yếu tố sinh vật (mầm bệnh). Sinh vật tác động đến cá, tôm dưới hình thức ký sinh ở các tế bào, tổ chức, cơ quan gây bệnh cho cá, tôm. Yếu tố sinh vật có thể tác động trực tiếp đến cá, tôm. Sinh vật có thể tác động gián tiếp đến môi trường của cá, tôm rồi từ đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của cá, tôm như một số loại tảo Microcystis, Gymnodinium gây độc cho cá, tôm.
– Do thiếu các chất cơ thể cần: trong quá trình sống, cơ thể và môi trường có sự liên hệ mật thiết, có tác dụng qua lại, các chất cơ thể cần không có hoặc không đủ làm cho cơ thể biến đổi, thậm chí có thể chết như bệnh thiếu dinh dưỡng.
– Do không có hoặc thiếu các chất rất cần để duy trì cơ thể sống, cơ thể cá, tôm sẽ có sự biến đổi rất nhanh chóng, thậm chí có thể làm cho cá, tôm chết đột ngột.
– Do thiếu một số chất hoặc do điều kiện sống, lúc đầu cơ thể sinh vật chưa có biến đổi rõ nhưng cứ kéo dài liên tục thì sẽ làm cho quá trình trao đổi chất bị trở ngại, hoạt động của các hệ men bị rối loạn, cơ thể không phát triển được và phát sinh ra bệnh như thiếu chất đạm, mỡ, đường, vitamin, chất khoáng… Nếu trong thức ăn của cá, tôm thiếu canxi và photpho thì sẽ làm cho cá, tôm bị bệnh còi xương, cong thân, dị hình, mềm vỏ, ngoài ra còn ảnh hưởng đến men tiêu hoá.
– Do bản thân có thể sinh vật có sự thay đổi dẫn đến bị bệnh: có một số chất và một số tác dụng kích thích trong điều kiện bình thường là yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng do cơ thể sinh vật có sự thay đổi hoặc một số tổ chức cơ quan có bệnh lý các yếu tố đó trở thành nguyên nhân gây bệnh.
Điều kiện để phát sinh bệnh
Cơ thể sinh vật phát sinh ra bệnh không những chỉ do nguyên nhân nhất định mà cần có điều kiện thích hợp. Do điều kiện khác nhau mà nguyên nhân gây bệnh có làm cho cơ thể sinh vật phát sinh ra bệnh hay không. Điều kiện gây bệnh bao gồm bản thân có thể sinh vật và điều kiện môi trường. Cơ thể sinh vật như tuổi, tình trạng sức khoẻ, giới tính… qua theo dõi trong một ao nuôi cá thịt có nhiều loài cá nhưng loài giáp xác Sinergasilus polycolpus Yin 1956 ký sinh trên mạng cá Mè, cá Trắm là điều kiện để ký sinh trùng Sinergasilus polycolpus gây bệnh.
Ký sinh trùng Mỏ neo Lernaea polycolpus Yu 1938 ký sinh trên da, trên miệng cá Mè, Lernaea ctenopharyngodontis Yin 1960 ký sinh trên da cá Trắm cỏ đều bị nhiễm như vậy, có ấu trùng của giống Lernaea tồn tại nhưng không có đối tượng cá thích hợp như cá mè hoặc cá trắm thì bệnh không xảy ra.
Điều kiện môi trường như khí hậu, chất nước tình hình nuôi dưỡng khu hệ sinh vật ảnh hưởng đến nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn các bệnh vi sinh vật phát triển mạnh trong điều kiện môi trường nuôi cá, tôm bị ô nhiễm, các bệnh do nguyên sinh động vật gây ra thường ở ao ương nuôi cá, tôm mật độ quá dày, thức ăn không đầy đủ, mực nước quá thấp. Các loài sán lá song chủ phát triển và ký sinh trên cá phải nhờ có vật chủ trung gian là ốc Limnae và vật chủ sau cùng là chim.
Các ví dụ trên chứng tỏ cá hay sinh vật thủy sản khác bị
bệnh đều có nguyên nhân nhất định, nhưng nó không phải tác dụng cô lập mà dưới điều kiện bên ngoài và bên trong của cơ thể để phát huy tác dụng. Nguyên nhân quyết định quá trình phát sinh và đặc tính cơ bản của bệnh, còn điều kiện chỉ có tác dụng làm tăng lên hay cản trở cho quá trình phát sinh, phát triển của bệnh, điều kiện ảnh hưởng đến nguyên nhân.